Thứ bảy, 20/04/2024
Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử PHÂN VIỆN KHOA HỌC AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG MIỀN TRUNG

Giới thiệu

Giới thiệu

Trong những năm sau chiến tranh, đất nước đang rất khó khăn nhưng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác an toàn và vệ sinh lao động, trước yêu cầu ngày càng cao của thực tế sản xuất, sự cần thiết của khoa học kỹ thuật trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người lao động, ngày 1/5/1971 Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) đã ra quyết định số 82/CP thành lập Viện nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ lao động và giao cho Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) quản lý.

Với những đặc thù về kinh tế, địa lý của Đà Nẵng – một thành phố có vị trí chiến lược ở miền Trung, Phân viện nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động tại Đà Nẵng trực thuộc Viện nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ lao động Tổng công đoàn Việt Nam được thành lập theo Quyết định 723-QĐ-TCĐ ngày 1/5/1979. Sự ra đời của một Phân viện nghiên cứu chuyên sâu ở miền Trung đã giải quyết phần nào nhu cầu phát triển của đất nước thời kỳ đó, cùng với Viện ở miền Bắc đã góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động.

Năm 2017, Phân viện được đổi tên thành Phân Viện Khoa học An toàn Vệ sinh lao động và Bảo vệ môi trường miền Trung theo Quyết định 1854/QĐ-TLĐ ngày 6/11/2017. Phân viện có tên giao dịch quốc tế là Branch of National Institute of Occupational Safety and Health in the Central of Vietnam (CNIOSH).

Phân viện là một tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động có chức năng nghiên cứu khoa học phục vụ quản lý, triển khai, ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ an toàn, vệ sinh lao động, môi trường theo quy định pháp luật. Phân viện có 4 phòng chức năng: Phòng An toàn lao động, Phòng Quan trắc và công nghệ môi trường, Phòng Khám và điều trị bệnh nghề nghiệp và Văn phòng cơ quan.

Trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, đến nay Phân viện đã có đội ngũ CBVC 34 người, trong đó có 02 người là Phó Giáo sư, Tiến sỹ; 08 Thạc sỹ, 01 Bác sĩ, 09 Kỹ sư, 14 Cử nhân và Trung cấp. Đội ngũ cán bộ, viên chức của Phân viện đa phần là những cán bộ khoa học có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của một cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ để triển khai các hoạt động Khoa học và Công nghệ theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Phân viện có 01 khu thí nghiệm với diện tích sử dụng hơn 300m2, các phòng thí nghiệm chuyên dụng đều đạt chuẩn VILAS. Được sự quan tâm của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động, Phân viện đã được đầu tư các hệ thống máy phân tích thuộc loại hiện đại nhất ở khu vực miền Trung như HPLC, GC-MS, máy đo chức năng hô hấp, máy xét nghiệm nước tiểu, Máy xét nghiệm sinh hoá tự động . . .

Với chứng nhận VIMCERTS 071, Phân viện đã triển khai nhiều hoạt động quang trắc môi trường cho các đơn vị, cơ sở ở khu vực miền Trung, góp phần chung vào công tác bảo vệ môi trường của khu vực. Quan trắc môi trường, khám bệnh nghề nghiệp lao động cũng là một thế mạnh của Phân viện. Phối hợp với các đơn vị trong Viện triển khai thực hiện các hợp đồng khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho các cơ sở trên địa bàn các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng với tổng số người lao động được khám là 1655 người/năm; thực hiện đo đạc, đánh giá gánh nặng, tâm sinh lý và ecgonomi cho 42 đơn vị/năm trên địa bàn các tỉnh miền Trung;

Thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường lao động cho hơn 20 cơ sở, 2 đợt/năm. Ngoài ra, đã tiến hành triển khai đo điện trở nối đất cho hơn 100 cơ sở bao gồm các cửa hàng, kho xăng dầu, đài phát thanh truyền hình và các công trình dân dụng khác; đo điện từ trường cho các trạm 110KV các tỉnh khu vực miền Trung.

Với đội ngũ nhiều kinh nghiệm, Phân viện đã triển khai công tác Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động ở các cơ sở khu vực miền Trung với khoảng 4.000 người lao động hằng năm (trên 70 lớp). Phân viện đã có hỗ trợ công tác huấn luyện này thông qua Liên đoàn lao động ở nhiều tỉnh, thành, góp phần nâng cao nhận thức của người lao động trong công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của Phân viện là một thế mạnh, nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động và môi trường có giá trị thực tế cao, đã triển khai trong những năm vừa qua.

 

Về trang trước Chia sẻ In trang