Tin tức
Họp Hội đồng nghiệm thu cấp TLĐ nhiệm vụ KH&CN: “Nghiên cứu đánh giá nguy cơ sức khỏe nghề nghiệp do phơi nhiễm Di-n-butyl Phthalate (DBP) của công nhân tại cơ sở chế biến cao su”
Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ cấp Tổng Liên Đoàn gồm có 7 thành viên do GS.TS. Lê Vân Trình – Hội KHKT An toàn Vệ sinh Lao động Việt Nam làm Chủ tịch.
KS. Trương Thị Thúy Quỳnh trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ.
KS. Trương Thị Thúy Quỳnh đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ. Nhiệm vụ “Nghiên cứu đánh giá nguy cơ sức khỏe nghề nghiệp do phơi nhiễm Di-n-butyl Phthalate (DBP) của công nhân tại cơ sở chế biến cao su” được thực hiện với 3 mục tiêu chính: 1). Đánh giá được mức độ phơi nhiễm DBP của người lao động ở cơ sở chế biến cao su; 2). Đánh giá được nguy cơ sức khỏe nghề nghiệp do phơi nhiễm DBP của người lao động ở cơ sở chế biến cao su; 3). Đề xuất được giải pháp giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm DBP của người lao động ở cơ sở chế biến cao su.
Để đạt được 3 mục tiêu chính của nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã thực hiện những nội dung sau:
– Nghiên cứu tổng quan về thực trạng sản xuất, điều kiện lao động và sức khỏe người lao động trong ngành chế biến cao su;
– Đánh giá mức độ phơi nhiễm DBP của người lao động ở cơ sở chế biến cao su (quan trắc nồng độ DBP mẫu môi trường, cá nhân và xét nghiệm PA niệu);
– Đánh giá nguy cơ sức khỏe nghề nghiệp do phơi nhiễm DBP của người lao động ở cơ sở chế biến cao su;
– Đề xuất các giải pháp giảm thiểu nguy cơ do phơi nhiễm DBP.
Kết quả, nhiệm vụ đã hoàn thành khối lượng công việc được giao với các hạng mục công việc:
– Thu thập và tổng hợp các tài liệu về thực trạng sản xuất, điều kiện lao động và sức khỏe người lao động trong ngành chế biến cao su;
– Đã tiến hành khảo sát tại 02 doanh nghiệp chế biến cao su khu vực miền Trung;
– Đã quan trắc môi trường lao động và quan trắc mẫu nồng độ cá nhân tại 02 cơ sở chế biến cao su khu vực miền Trung;
– Đã tiến hành đánh giá nguy cơ sức khỏe nghề nghiệp của người lao động thông qua kết quả khảo sát và hồi cứu thông tin;
– Trên cơ sở các giải pháp đã đề xuất giải pháp để khống chế nguy cơ, nhiệm vụ đã tiến hành nghiên cứu thực nghiệm áp dụng thử nghiệm và đánh giá hiệu quả giải pháp Sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân nhằm giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với hơi dung môi của người lao động tại cơ sở chế biến cao su miền Trung.
Sản phẩm đã đạt được của nhiệm vụ:
– Báo cáo mức độ phơi nhiễm DBP của người lao động ở cơ sở chế biến cao su.
– Báo cáo kết quả đánh giá nguy cơ sức khỏe nghề nghiệp do phơi nhiễm DBP của người lao động ở cơ sở chế biến cao su.
– Báo cáo giải pháp giảm thiểu nguy cơ do phơi nhiễm DBP của người lao động ở cơ sở chế biến cao su.
– 02 bài báo đăng trên các tạp chí Khoa học.
Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Lê Vân Trình đã tổng hợp các ý kiến của các thành viên Hội đồng và đưa ra kết luận như sau: Nhiệm vụ đã đạt được 3 mục tiêu như đề cương đã được phê duyệt theo đúng tiến độ, thời gian; Các nội dung công việc đã tiến hành phù hợp với mục tiêu và đã đưa ra được những sản phẩm tương ứng. Hội đồng cũng đã chỉ ra một một số điểm cần chỉnh sửa, bổ sung để giúp báo cáo tổng kết của nhiệm vụ được hoàn thiện hơn:
– Chỉnh sửa, bổ sung về mặt hình thức, kết cấu của báo cáo khoa học như cách liệt kê tài liệu tham khảo; Việt hóa tên riêng, công thức, tài liệu nước ngoài; danh mục từ viết tắt; lỗi chính tả; tên chính xác và đầy đủ của máy móc thiết bị được sử dụng để phục vụ nghiên cứu, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam để làm cơ cở nghiên cứu, đánh giá…
– Phần đối tượng nghiên cứu: cần mô tả đặc điểm của đối tượng nghiên cứu, lý giải tiêu chí lựa chọn lựa đối tượng nghiên cứu từ đó trình bày kết quả khảo sát phân theo từng đặc điểm đối tượng cứu để dễ so sánh đánh giá…, lý giải việc lựa chọn thiết bị, phương pháp phân tích…
– Bổ sung vào phần phụ lục các mẫu phiếu phỏng vấn, mẫu hồ sơ sức khỏe người lao động…
Hội đồng nhất trí cho nghiệm thu nhiệm vụ chính thức cấp Tổng Liên đoàn trên cơ sở chỉnh sửa và bổ sung theo góp ý của Hội đồng.
(Nguồn tin: HT, Vnniosh.vn)