Thứ tư, 09/10/2024
Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử PHÂN VIỆN KHOA HỌC AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG MIỀN TRUNG

Tin tức

Đánh giá rủi ro an toàn và sức khỏe nghề nghiệp tại cơ sở chế biến thủy sản khu vực miền Trung

Tóm tắt:

Bài báo trình bày nghiên cứu lựa chọn kỹ thuật nhằm đánh giá rủi ro An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp (AT&SKNN) cho Công ty TNHH Chế biến thủy sản D&N ở khu vực miền Trung. Kết quả đánh giá rủi ro AT&SKNN cho thấy tại nơi làm việc của công nhân chế biến thủy sản xuất hiện các mối nguy gây rủi ro AT&SKNN ở mức rất cao: vi khí hậu (100% vị trí đánh giá); tư thế lao động (6%). Nhiều mối nguy gây rủi ro cao trơn trượt (33%); văng bắn (28%); vật sắc nhọn; vật rơi: (17%); điện giật, nhiệt độ (11%) ngạt khí (6%) và mối nguy hóa học chủ yếu do CH3SH lên đến (56%). Nghiên cứu đã phân hạng ưu tiên thứ tự giảm thiểu các rủi ro nhằm giúp doanh nghiệp trong việc hoạch định quản lý rủi ro phù hợp với nguồn lực của đơn vị.

1. GIỚI THIỆU

Sản xuất và chế biến thủy sản của nước ta đã có những bước tiến vượt bậc trong những  năm qua. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019 GDP thủy sản theo giá thực tế đạt 205.252 tỷ đồng chiếm 3,4% GDP toàn quốc và chiếm 24,4% GDP toàn ngành nông nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản từmức thấp 550 triệu năm 1995 đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽqua từng năm với mức tăng trưởng bình quân 15,6%/năm. Quá trình tăng trưởng này đã đưa Việt Namtrởthành mộttrong 5 nước xuất khẩuthủy sảnlớn nhấtthếgiới, giữvaitrò chủđạo cung cấp nguồn thủy sản toàn cầu [1]. Tuy nhiên, trong hoạt động chế biến thủy sản, người lao động tiếp xúc trực tiếp với nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại như các yếu tố vật lý, hóa học. Đối diện thường xuyên với những rủi ro tại nơi làm việc, tai nạn lao động đến với họ có thể diễn ra ở tất cả các khâu sản xuất [2]. Vì lẽ đó, việc đánh rủi ro an toàn sức khỏe nghề nghiệp (AT&SKNN) cho người lao động trong ngành chế biến thủy sản là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Kể từ năm 2017, Phân Viện Khoa học An toàn Vệ sinh lao động và Bảo vệ môi trường miền Trung (CNIOSH) đã thực hiện nhiều nghiên cứu đánh giá rủi ro AT&SKNN tại một số cơ sở chế biến thủy sản khu vực miền Trung. Báo cáo sau đây trình bày một số kết quả đánh giá rủi ro AT&SKNN tại Công ty TNHH Chế biến thủy sản D&N đóng trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

2. KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ RỦI RO AT&SKNN TẠI CÔNG TY TNHH CBTS D&N

2.1. Lựa chọn kỹ thuật đánh giá rủi ro           

Hiện nay, có rất nhiều kỹ thuật đánh giá rủi ro. Mặc dù không có kỹ thuật duy nhất nào là đúng cho bất kỳ tình huống cụ thể nào, điều quan trọng là cần xem xét bản chất đối tượng cần đánh giá và chọn kết hợp các kỹ thuật phù hợp nhất để đảm bảo tiến hành đánh giá rủi ro toàn diện và chính xác.Về nguyên tắc, việc lựa chọn phương pháp, kỹ thuật đánh giá rủi ro phụ thuộc vào đối tượng đánh giá hay tính chất của mối nguy.Thông thường mối nguy được chia thành 5 loại: mối nguy từ các yếu tố vật lý; mối nguy từ các yếu tố cơ học và máy; mối nguy do yếu tố hóa học, mối nguy do sinh học và mối nguy Ergonomy. Trong thực tế, khi đánh giá rủi ro đồng thời của nhiều loại mối nguy tại nơi làm việc, việc phân hạng mối nguy để thiết lập một trật tự ưu tiên cho toàn thể các mối nguy là khó khăn do nhiều nguyên nhân: 1/Có sự khác nhau trong phân hạng mức độ mối nguy (do tính chất của các mối nguy là khác nhau); 2/Hiện nay, chưa có một công trình nào nghiên cứu mối quan hệ giữa các mối nguy và sắp xếp chúng theo một trật tự tăng giảm với các trọng số phù hợp [3]. Vì thế, để hạn chế sai lệch, khi đánh giá các loại mối nguy khác nhau có thể sử dụng các định dạng ma trận khác nhau nhưng phải phân hạng mức rủi ro theo một thang đo có số bậc nhất định. Trong nghiên cứu này, phương pháp định tính được sử dụng để đánh giá mối nguy. Tuy nhiên với những mối nguy có thể đo đạc định lượng kèm theo các hướng dẫn cho phép, được sử dụng phương pháp bán định lượng với các Tiêu chuẩn đánh giá rủi ro có sẵn ở Việt Nam. Với các mối nguy chưa có kỹ thuật đánh giá ở nước ta, lựa chọn kỹ thật đánh giá trên thế giới phù hợp. Cụ thể trình bày trên Bảng 1.

             Bảng 1. Phương pháp và công cụ đánh giá sử dụng trong nghiên cứu

TTMối nguyKỹ thuật đánh giáPhương pháp đánh giáNguồn
1Các yếu tố cơ học
1.1MáyTCVN 70301-2Định tính[4]
1.2Trơn trượt, vật rơi, ngã cao, văng bắn, điện giật, cuốn kẹp…HIRARC (Malaysia)Định tính[6]
2Các yếu tố Vật lý
2.1Vi khí hậuVNNIOSH – 2017 (VN)Bán định lượng[5]
2.2Ồn, rung, điện từ trường, bức xạVNNIOSH – 2017 (VN)Bán định lượng[5]
3Các yếu tố hóa học, sinh vậtHIRARC (Malaysia)Bán định lượng[8]
4ErgonomyRULA, REBAĐịnh tính[7]
5Đánh giá tổng hợp các mối nguyHAZARD MATRIX[9]

– Đánh giá rủi ro các yếu tố cơ học trên đây được thực hiện theo phương pháp của GS.TS Lê Vân Trình [4] dựa trên Hướng dẫn đánh giá rủi ro do các yếu tố cơ học của Bộ Lao động Malaysia (HIRARC). Để ước tính mức độ rủi ro, xác suất liên quan đến những rủi ro phát sinh tai nạn có thể được ước tính bằng cách kiểm tra tần suất tai nạn. Mức độ nghiêm trọng của các tác động có thể được xác định thông qua thời gian nghỉ làm việc do hậu quả của tai nạn hay đặc tính của các tác hại gây ra tai nạn. Đây là phương pháp bán định lượng, sử dụng định dạng ma trận 5×5 trong đánh giá rủi ro.

– Đánh giá rủi ro do máy. Dây chuyền sản xuất có sử dụng rất nhiều các loại thiết bị máy móc. Trong nghiên cứu này, công cụ sử dụng trong nghiên cứu được hướng dẫn trong TCVN 7301-2-2008- AN TOÀN MÁY – ĐÁNH GIÁ RỦI RO [4]. Phương pháp đánh giá rủi ro sử dụng sơ đồ rủi ro dạng cây (kỹ thuật EVENT TREE). Chi tiết về phương pháp, xin tham khảo tài liệu [4].

– Đối với các yếu tố vật lý, chúng tôi áp dụng kết quả nghiên cứu của TS Đỗ Trần Hải, TSKH Phạm Quốc Quân và các đồng sự để phân loại đánh giá trực tiếp mức rủi ro ảnh hưởng sức khỏe người lao động theo các mối nguy. Trên cơ sở phân mức chất lượng vệ sinh và tính chất công việc mà mối nguy được đánh giá thành các mức rủi ro (VINIOSH-2017) [5]. Trong nghiên cứu này các tác giả đã chia 7 mức rủi ro. Tuy nhiên, để phù hợp với việc đánh giá tổng thể các mối nguy, chúng tôi điều chỉnh phân chia thành 5 mức rủi ro cho toàn bộ mối nguy. Cụ thể là:

                   Bảng 2. Phân loại mức rủi ro sức khỏe nghề nghiệp và chất lượng vệ sinh môi trường lao động

Phương phápMức rủi ro
HIRARC & KHÁC12345
Rất thấp có thể bỏ quaRủi ro thấpRủi ro trung bìnhRủi ro caoRủi ro rất cao
VNNIOSH -20171234567
Hợp vệ sinhChấp nhận đượcRủi ro thấpRủi ro trung bìnhRủi ro caoRủi ro rất caoRủi ro cực cao

                                                                                                 Chi tiết về phương pháp, tham khảo tài liệu [5].

NHQ1

Hình 1. Lưu đồ quy trình đánh giá

– Đánh giá rủi ro các mối nguy hóa học: Mối nguy hóa học là mối nguy phổ biến trong môi trường làm việc của người lao động. Các loại hóa chất tồn tại ở nơi làm việc có thể do tự nhiên sinh ra, do quá trình hoạt động sản xuất tạo nên hay chính là nguồn nguyên nhiên liệu sản xuất. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp đánh giá bán định lượng theo Hướng dẫn sử dụng của Bộ lao động Malaysia [8]. Khái quát phương pháp thực hiện theo lưu đồ Hình 1. Chi tiết về kỹ thuật đánh giá được trình bày trong tài liệu [8].

– Đánh giá rủi ro do gánh nặng tư thế lao động: Phương pháp nghiên cứu là khảo sát đo đạc các thông số lên quan đến tư thế làm việc và đánh giá bằng phương các phương pháp đánh giá nhanh Rapid Upper Limb Assessment (RULA), Rapid Entire Body Assessment (REBA) và Ovako Working Posture Analysis System (OWAS). Nếu như Phương pháp RULA đánh giá rủi ro chủ yếu đến các chi trên, cổ và lưng thì REBA và OWASsử dụng một quy trình có hệ thống để đánh giá rủi ro tư thế toàn bộ cơ thể.So sánh các kỹ thuật OWAS và RULA sử dụng trong đánh giá gánh nặng lao động được trình bày trong tài liệu [10]. Chi tiết về các kỹ thuật này người đọc có thể tham khảo tài liệu [7].

2.2. Kết quả đánh giá

Công ty TNHH Chế biến thủy sản D&N đóng tại TP Đà Nẵng. Công ty có 1 dây chuyền chế biến thủy sản đông lạnh (Fillet; Surimi, tươi sống) và 1 dây chuyền chế biến có hấp chín. Tại thời điềm khảo sát (từ tháng 4 – 10 năm 2019), tổng số công nhân của Công ty là 478 người. Kết quả đánh giá rủi ro AT &SKNN tại Công ty được trình bày dưới đây.

– Các mối nguy cơ học, máy

Bảng 3. Kết quả đánh giá rủi ro AT SKNN do các mối nguy cơ học

NHQ2 1

Rủi ro được đánh giá ở mức cao do các mối nguy trơn trượt (6 vị trí); văng bắn (5 vị trí); vật sắc nhọn, vật rơi: (3 vị trí); điện giật, nhiệt độ (2 vị trí) và ngạt khí (1 vị trí). Các mối nguy còn lại ở mức trung bình và thấp. Không có vị trí nào có rủi ro ở mức rất cao. Rủi ro té ngã do trơn trượt có mức rủi ro cao ở nhiều vị trí có thể gây chấn thương nặng ở vùng đầu, gãy chân tay. Rủi ro cao do sử dụng dụng cụ có cạnh sắc nhọn như dao, kéo để cắt, cạo, tách bóc sản phẩm. Đặc biệt rủi ro do ngạt khí khi vận hành hệ thống lạnh được xếp ở mức cao, cần có các biện pháp kiểm soát.

               Bảng 4. Kết quả đánh giá rủi ro khi vận hành máy, thiết bị

TTMáy móc thiết bịCông việc/hoạt độngKết quả đánh giá
Mối nguySự nghiêm trọng/xác suấtMức rủi ro
1Máy phân cỡPhân cỡ sản phẩmĐiệnNặng/Ít khiCao
Cuốn épNhẹ/Hiếm khiThấp
Trơn trượtTrung bình/Có thểCao
Ecgonomi: lặp lạiNhẹ/Có thểTrung bình
2Máy hút chân khôngHút chân không, bao gói sản phẩmĐiệnNặng/Hiếm khiTrung bình
Cuốn épNhẹ/Hiếm khiThấp
Trơn trượtTrung bình/Có thểCao
Ecgonomi: lặp lạiNhẹ/Có thểTrung bình
3Máy dò kim loạiDò kim loại trong sản phẩmĐiệnNặng/Ít khiCao
Trơn trượtTrung bình/Có thểCao
Ecgonomi: lặp lạiNhẹ/Có thểTrung bình
4Máy hấp sản phẩmHấp sản phẩmĐiệnBỏ qua/hiếm khiRất thấp
Trơn trượtTrung bình/Có thểCao
Nhiệt độ caoTrung bình/có thểCao
Ecgonomi: lặp lạiNhẹ/Có thểTrung bình
5Máy sấySấy sản phẩmĐiệnBỏ qua/hiếm khiRất thấp
Trơn trượtTrung bình/Có thểCao
Nhiệt độ caoNhẹ/có thểTrung bình
Ecgonomi: lặp lạiNhẹ/Có thểTrung bình
6Tủ cấp đôngCấp đông sơ bộ sản phẩmĐiệnNặng/Hiếm khiTrung bình
Cuốn épTrung bình/Hiếm khiTrung bình
Trơn trượtTrung bình/Có thểCao
Vật rơiNhẹ/Ít khiTrung bình
Cháy nổNặng/ Hiếm khi/Trung bình
Nhiệt độ thấpTrung bình/Có thểCao
7Kho lạnhĐưa sản phẩm thủy sản ra/vào kho lạnhĐiệnNặng/Hiếm khiTrung bình
Cuốn épTrung bình/Hiếm khiTrung bình
Trơn trượtTrung bình/Ít khiTrung bình
Vật rơiTrung bình/Ít khiTrung bình
Cháy nổHiếm khi/NặngTrung bình
Nhiệt độ thấpTrung bình/Có thểCao
Ngạt khíNặng/ít khiCao

Công nhân vận hành máy thiết bị chịu các rủi ro do điện ở mức trung bình đến cao. Trong môi trường ẩm ướt khả năng rò rỉ dòng điện ra vỏ máy khá cao. Trơn trượt là mối nguy được đánh giá mức cao ở hấu hết các vị trí. Trong môi trường lạnh, mối nguy nhiệt độ có mức rủi ro cao đối với công nhân vận hành kho lạnh và tủ cấp đông. Trong khi đó, rủi ro mức cao do nhiệt độ cao tại vị trí công nhân vận hành máy sấy và máy hấp.

– Mối nguy vật lý

          Bảng 5. Kết quả đánh giá rủi ro do các mối nguy vật lý

NHQ3

Làm việc trong môi trường khí hậu ẩm và lạnh, người lao động đối diện với các mối nguy vi khí hậu được đánh giá ở mức rất cao ở hầu hết các vị trí khảo sát. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra các bệnh liên quan đến nghề nghiệp như bệnh về da, bệnh đường hô hấp, thấp khớp… Một số vị trí có mối nguy bức xạ ion hóa và nhiệt độ được đánh giá ở mức trung bình. Các mối nguy vật lý khác ở mức rủi ro thấp ở hầu hết các vị trí đánh giá.

– Các mối nguy hóa học

                       Bảng 6. Kết quả đánh giá rủi ro SKNN các mối nguy hóa học

NHQ4

Rủi ro do hóa chất được đánh giá riêng cho từng loại. Đối với khí CO2, 100% vị trí khảo sát được phân hạng ở mức thấp. Khí Cl2 có 03 vị trí có kết quả đo vượt mức cho phép nhưng tính đến các yếu tố thời gian tiếp xúc và mức độ nguy hại, rủi ro được đánh giá ở mức trung bình. Ở các vị trí còn lại, mức rủi ro do Cl2 gây ra được đánh giá ở mức thấp.

Các khí SO2, NO2, H2S, NH3: 100% vị trí được phân hạng ở mức trung bình. Riêng CH3SH: 50% công việc được phân hạng ở mức rủi ro cao và 50% công việc được phân hạng ở mức rủi ro trung bình. Các vị trí được phân hạng ở mức rủi ro cao bao gồm: Nhập liệu thủ công; Rửa; Phân cỡ, làm sạch; Sơ chế; Phân cỡ; Ngâm nước; Hấp, sấy; Cân, làm sạch, vô bao, hút chân không và Cấp đông.

– Mối nguy tư thế lao động

Trên Bảng 7, kết quả đánh giá rủi ro do tư thế lao động gây ra cho thấy: có 4/15 vị trí có rủi ro tư thế lao động ở mức cao, cụ thể là những vị trí: cấp đông-rà kim loại, đóng gói sirimi, vận hành máy hút chân không, băng tải cấp đông và 1 vị trí (tiếp nhận nguyên liệu 1) có tư thế lao động ở nguy cơ rất cao. Đa phần các vị trí này có tư thế làm việc không thuận lợi: cổ cúi hơn 20o; thân cúi từ >60o và bị vặn; bê vật nặng từ 5-10kg; cánh tay đưa ra trước 45o-90o; cẳng tay ở vị trí dưới 60o; cổ tay gấp hoặc duỗi  ≥ 15o … Có 10/15 vị trí khảo sát có rủi ro tư thế lao động mức trung bình. Đó là những vị trí thuộc những khu vực: tiếp nhận nguyên liệu 2, sơ chế, tinh chế, sấy, bao gói-đóng thùng. Tư thế làm việc này về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt về cơ xương khớp và tim mạch người lao động.

Bảng 7. Kết quả đánh giá rủi ro SKNN các mối nguy ERGONOMY

NHQ5

NHQ6

   
               Bảng 8. Phân hạng ưu tiên nguy cơ theo các yếu tố mối nguy
NHQ7
            Từ Bảng 8 có thể thấy: do đặc điểm của quá trình sản xuất, độ ẩm là mối nguy có xác suất ưu tiên giảm thiểu rủi ro xếp ở vị trí thứ nhất trong tất cả các mối nguy có trong môi trường của nhà máy. Tiếp đến là mối nguy trơn trượt. CH3SH là mối nguy hóa học có xác suất ưu tiên giảm thiểu rủi ro thứ 3. Nguồn gốc phát sinh của mối nguy này là từ sự phân hủy của các bán thành phẩm và chất thải của quá trình sản xuất (thịt cá, tôm, vỏ tôm, đầu, ruột…). Mối nguy về tư thế lao động có xác xuất ưu tiên giảm thiểu rủi ro xếp ở vị trí thứ 4 trong tất cả các mối nguy. Người lao động trong cơ sở chế biến thủy sản thường phải đứng trong suốt cả ca làm việc, ngoài ra ở một số bộ phận còn phải mang vác vật nặng như bộ phận tiếp nhận nguyên liệu, cấp đông, tách khay, dò kim loại.

3. KẾT LUẬN

Kết quả nghiên cứu đánh giá rủi ro AT&SKNN tại Công ty TNHH chế biến thực phẩm D&N cho thấy: Theo mức độ rủi ro: rủi ro mức rất cao xuất hiện đối với các mối nguy vi khí hậu tại tất cả các vị trí khảo sát và mối nguy tư thế lao động tại vị trí tiếp nhận nguyên liệu. Đối với các mối nguy này Công ty cần phải có ngay các giải pháp can thiệp để giảm thiểu hoặc loại trừ rủi ro. Mức rủi ro cao đối với mối nguy cơ họcxuất hiện tại hầu hết các vị trí khảo sát: trơn trượt (6/18 vị trí); văng bắn (5/18 vị trí); vật sắc nhọn; vật rơi: (3/18 vị trí); điện giật, nhiệt độ (2/18 vị trí) và ngạt khí (1/18 vị trí). Rủi ro cao đối với mối nguy hóa học chủ yếu do CH3SH (10/18 vị trí). Các mối nguy khác được đánh giá ở mức rủi ro trung bình. Theo mức độ ưu tiên quản lý rủi ro, mối nguy vi khí hậu cần được ưu tiên giảm thiểu, tiếp đến là mối nguy do trơn trượt, hóa chất và tư thế lao động. Kết quả khảo sát nhận diện mối nguy, phân tích và đánh giá rủi ro trong môi trường lao động của nhà máy chế biến thủy sản là dữ liệu cần thiết giúp cho nhà máy có kế hoạch sắp xếp quản lý rủi ro hợp lý, giúp cho nhà quản lý có thêm thông tin quan trọng về thực trạng điều kiện làm việc của người lao động trong các nhà máy chế biến thủy sản.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Công ty CPCK Kiến thiết Việt Nam (2020), Báo cáo ngành thủy sản, Hà Nội.

[2]. Phân Viện Khoa học An toàn VSLĐ và BVMT miền Trung (2017), Nghiên cứu đánh giá rủi ro an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở chế biến thủy sản khu vực miền Trung, Báo cáo nhiệm vụ thường xuyên năm 2017, Đà Nẵng.

[3]. Risk Assessment – Qualitative Methods, Institute for Water Resources US Army Corps of Engineers, USA.

[4].Bộ Khoa học và Công nghệ (2008), TCVN70301-2008,An toàn máy Đánh giá rủi ro, Hà Nội.

[5]. Đỗ Trần Hải và cộng sự (2017), Đánh giá phân loại chất lượng vệ sinh môi trường lao động và mức rủi ro sức khỏe nghề nghiệp do tác động của các thông số vi khí hậu,Tạp chí BHLĐ số 4, năm 2017, Hà Nội.

[6].Lê Vân Trình (1998), Báo cáo tổng kết NVKH Nhà nước, mã số VIE/ 1998. Hà Nội.

[7]. Bộ Y tế (2016), Thường quy kỹ thuật Vệ sinh môi trường và Y học lao động, Hà Nội.

[8]. Ministry of Mainpower (2011), A semi-quantitative Method to Assess Occupational Exposure to Halmful Chemicals, Malaysia.

[9]. Nhan Hồng Quang (2014), Phát triển ma trận mối nguy sử dụng trong đánh giá nguy cơ, Tạp chí An toàn Sức khỏe & Môi trường lao động số 1,2,3 năm 2014, trang 75-82, Hà Nội.

[10]. Nhan Hồng Quang, (2016), Kỹ thuật quan sát trong đánh giá gánh nặng lao động của công nhân giết mổ heo, Tạp chí Bảo hộ lao động số 257, 9/2016, trang 19-25, Hà Nội.

Nhan Hồng Quang

 Phân Viện Khoa học ATVSLĐ và BVMT miền Trung

(Nguồn tin: Vnniosh.vn)

Về trang trước Chia sẻ In trang