Tin tức
Tác động của một số yếu tố vật lý đến người lao động
Vi khí hậu
Vi khí hậu là tổng hợp các yếu tố môi trường không khí diễn ra trong phạm vi nơi làm việc, bao gồm: Nhiệt độ không khí (0C); Độ ẩm không khí (%); Tốc độ gió (m/s); Bức xạ nhiệt (cal/cm2/ph). Nhiệt độ cơ thể luôn giữ được ở mức 37 ± 0,50C là nhờ quá trình điều hoà nhiệt trên trung tâm vỏ não của con người.
Khả năng thích nghi của mỗi người có khác nhau, nhưng vượt quá khả năng thích nghi đó đều có thể dẫn đến rủi ro sức khoẻ. Khi nhiệt độ môi trường trên 330C (nhiệt độ da) cơ thể đã phải điều hoà thân nhiệt bằng thải mồ hôi để cân bằng nhiệt, cứ 1gr mồ hôi thải ra 0,67 Kcalo, nhiệt độ trên 370C, độ ẩm trên 80%, tốc độ gió thấp làm giảm khả năng bay mồ hôi sẽ gây rối loạn các chỉ tiêu sinh lý của cơ thể đưa đến bệnh lý. Môi trường làm việc nóng lại lao động nặng nhọc thì nguy cơ càng cao. Khi nhiệt độ môi trường thấp dưới 200C người có cảm giác rét, cơ thể đã phải bù nhiệt. Nếu nhiệt độ quá thấp, cơ thể không còn khả năng bù trừ được thân nhiệt nữa sẽ gây ra bệnh lý.
Tiếp xúc với nhiệt độ cao, độ ẩm lớn và tốc độ gió thấp
Say nắng, thường gặp ở người làm việc ngoài trời do tia bức xạ mặt trời chiếu vào hành tuỷ, bệnh rất nặng có thể bị đột quỵ.
Say nóng gặp ở người làm việc trong nhà xưởng hoặc dưới bóng râm, đôi khi phối hợp cả say nóng và say nắng, các triệu chứng khởi phát say nắng và say nóng thường giống nhau: người mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, có thể bị nôn mửa, khát nước, tim đập nhanh…, nếu không kiểm soát được để cấp cứu kịp thời nạn nhân có thể bị hôn mê, co giật, thậm chí gây tử vong.
Tiếp xúc với môi trường nóng, độ ẩm cao còn làm giảm khả năng miễn dịch có nguy cơ gây bệnh nhiễm trùng.
Bức xạ tử ngoại
Bức xạ tử ngoại (UV) là Bức xạ phi ion hoá. người lao động có nguy cơ phơi nhiễm cao với tia tử ngoại có các bước sóng từ 180 đến 400 nanomet (nm), hoặc ánh sáng nhìn thấy và những tia cận hồng ngoại có bước sóng từ 385 đến 3000 nm. Tia tử ngoại gây bỏng da tới độ 1, độ 2, gây viêm màng tiếp hợp mắt cấp tính, làm giảm thị lực, thu hẹp thị trường thường gặp ở người nấu kim loại, thợ hàn, ngoài ra còn gây suy nhược cơ thể, người mỏi mệt, chóng mặt, đau đầu, kém ăn, kém ngủ.
Ánh sáng
Ánh sáng là một dạng năng lượng bức xạ điện từ, có bước sóng từ 380-760 nm mà mắt ta không nhìn thấy, lan truyền trong không gian dưới dạng sóng điện từ (đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím). Nhu cầu ánh sáng phụ thuộc vào thị lực mỗi người và mỗi công việc. Đơn vị đo độ chiếu sáng là Lux
Nguồn ánh sáng:
Ánh sáng tự nhiên (mặt trời) có quang phổ phù hợp với sinh lý của mắt nhất, ít gây mệt mỏi, đau đầu,… thao tác chính xác hơn.
Ánh sáng nhân tạo (đèn điện, đèn dầu …).
Tác hại của ánh sáng không phù hợp
Ánh sáng thấp làm cho người lao động căng thẳng thần kinh, người mệt mỏi, đau đầu, căng mắt, giảm thị lực. Làm việc lâu dài có thể gây cận thị, loạn thị.
Ánh sáng quá cao gây chói mắt, tổn thương giác mạc, võng mạc, màng tiếp hợp, có thể gây đục nhân mắt, còn làm môi trường nóng lên, tiêu hao nhiều năng lượng gây thiệt hại đến kinh tế của doanh nghiệp.
Ánh sáng không phù hợp ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, đến năng suất lao động và có thể gây tai nạn lao động.
Rung động
Rung là hiện tượng cơ học dao động phát sinh từ những động cơ và dụng cụ sản xuất khi trọng tâm hoặc trục đối xứng của chúng xê dịch trong không gian theo chu kỳ.
Tác động của rung cục bộ gây tổn thương xương và các khớp xương, bệnh nhân thấy đau các khớp xương, cử động hạn chế ở cổ tay, khuỷu tay thường xuất hiện sau buổi làm việc hoặc bắt đầu làm việc. Nặng có thể gây viêm xương, tổn thương khớp, bệnh nhân có thể bị mất sức lao động hoàn toàn.
Gây rối loạn tuần hoàn mao mạch ở đầu chi, ngón tay có cảm giác tê cứng, ngón tay trắng bệch rồi xanh nhợt, sau một thời gian đau dấm dứt có thể đau dữ dội.
Làm tổn thương gân cơ, thần kinh, có thể gây teo cơ. Đối với lao động nữ còn tác động đến cơ quan sinh dục, lệch tử cung, sa âm đạo.
Tiếp xúc với rung tần số cao gây tổn thương cơ bắp, tác động đến thành mạch, ngăn cản sự lưu thông máu, lâu dài có thể gây tổn thương mạch máu trong cơ thể.
Rung toàn thân gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là hệ thần kinh thể dịch, tiếp xúc lâu dài sẽ gây biến đổi các tổ chức tế bào và rối loạn dinh dưỡng. Rung ở tần số cao 30-80Hz tác động đến thị giác làm thu hẹp thị trường, giảm độ rõ nét, giảm độ nhạy cảm màu và gây tổn thương tiền đình.
Rung còn tác động hiệp đồng với ồn, hoạt động tĩnh của cơ bắp và môi trường lạnh…
Tiếng ồn
Tiếng ồn tác động đến môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng và hạ thấp chất lượng cuộc sống. Nhiều nghiên cứu, điều tra ở các cộng đồng dân cư sống gần các sân bay, các cơ sở sản xuất, các công trường đang xây dựng, ảnh các trục đường giao thông chính,.. cho thấy, dân cư ở đó than phiền rất nhiều về sự khó chịu do tiếng ồn gây ra. Tiếng ồn làm cho người ta có ngủ khó, ngủ không sâu, thỉnh thoảng lại bị đánh thức bởi tiếng ồn dẫn đến trạng thái tâm lý mệt mỏi, khó chịu, cáu bẳn. Tiếng ồn làm ngăn cản quá trình làm việc, học tập, trao đổi thông tin, giải trí, … của cư dân trong thời gian làm việc nghỉ ngơi.
Trong thời gian làm việc, người lao động tiếp xúc với tiếng ồn cao và lâu dài có thể dẫn đến nguy cơ giảm thính và nặng hơn là dẫn đến bệnh điếc nghề nghiệp. Cơ quan thính giác của con người tuy có khả năng thích nghi, tự bảo vệ dưới tác động của tiếng ồn – khi có tiếng ồn mạnh độ nhạy của thính giác giảm xuống và sau khi tiếng ồn ngừng được 2 -3 phút thì thính giác sẽ được hồi phục trở lại. Nhưng khả năng thích nghi của con người cũng có giới hạn, theo SE Seibecman thì chỉ sau 1 phút tác dụng của tiếng ồn ở vùng tần số 1800 – 2000 Hz với mức âm thanh 85 – 90 dB có thể giảm thính lực 10 – 11 dB. Nhưng nếu thời gian tác động của tiếng ồn mạnh hơn, kéo dài thì có hiện tượng mệt mỏi thính lực và khả năng phục hồi kém dần, của cuối cùng là không thể phục hồi. Ngoài ra sự thích nghi còn phụ thuộc vào tính mẫn cảm của từng cơ thể, giới tính, sức khỏe, tuổi tác… Tiếng ồn còn có hại đến các cơ quan khác của cơ thể như: hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, … Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu mỗi ngày người công nhân tiếp xúc 8 giờ với tiếng ồn thì cơ quan thính giác của họ sẽ bị tổn thương:
Với mức ồn từ: 90 -100 dBA, sẽ dẫn đến tổn thương sau 10 – 20 năm làm việc. Với mức ồn từ : 100 – 105 dBA, sẽ dẫn đến tổn thương sau 10 năm làm việc. Với mức ồn > 105 dBA, sẽ dẫn đến tổn thương sau 5 năm làm việc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO: Lê Vân Trình, Bảo vệ môi trường, 2002.
Nguyễn Thành Trung, Phân Viện Khoa học ATVSLĐ và BVMT miền Trung