Tin tức
Ảnh hưởng của tiếng ồn đối với cuộc sống con người
Tiếng ồn tác động đến môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng và hạ thấp chất lượng cuộc sống. Nhiều nghiên cứu, điều tra ở các cộng đồng dân cư sống gần các sân bay, các cơ sở sản xuất, các công trường đang xây dựng, ảnh các trục đường giao thông chính,.. cho thấy, dân cư ở đó than phiền rất nhiều về sự khó chịu do tiếng ồn gây ra. Tiếng ồn làm cho người ta có ngủ khó, ngủ không sâu, thỉnh thoảng lại bị đánh thức bởi tiếng ồn dẫn đến trạng thái tâm lý mệt mỏi, khó chịu, cáu bẳn. Tiếng ồn làm ngăn cản quá trình làm việc, học tập, trao đổi thông tin, giải trí, … của cư dân trong thời gian làm việc nghỉ ngơi.
Trong thời gian làm việc, người công dân tiếp xúc với tiếng ồn cao và lâu dài có thể dẫn đến nguy cơ giảm thính và nặng hơn là dẫn đến bệnh điếc nghề nghiệp. Cơ quan thính giác của con người tuy có khả năng thích nghi, tự bảo vệ dưới tác động của tiếng ồn – khi có tiếng ồn mạnh độ nhạy của thính giác giảm xuống và sau khi tiếng ồn ngừng được 2 -3 phút thì thính giác sẽ được hồi phục trở lại. Nhưng khả năng thích nghi của con người cũng có giới hạn, theo SE Seibecman thì chỉ sau 1 phút tác dụng của tiếng ồn ở vùng tần số 1800 – 2000 Hz với mức âm thanh 85 – 90 dB có thể giảm thính lực 10 – 11 dB. Nhưng nếu thời gian tác động của tiếng ồn mạnh hơn, kéo dài thì có hiện tượng mệt mỏi thính lực và khả năng phục hồi kém dần, của cuối cùng là không thể phục hồi. Ngoài ra sự thích nghi còn phụ thuộc vào tính mẫn cảm của từng cơ thể, giới tính, sức khỏe, tuổi tác… Tiếng ồn còn có hại đến các cơ quan khác của cơ thể như: hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, … Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu mỗi ngày người công nhân tiếp xúc 8 giờ với tiếng ồn thì cơ quan thính giác của họ sẽ bị tổn thương:
- Với mức ồn từ: 90 -100 dBA, sẽ dẫn đến tổn thương sau 10 – 20 năm làm việc.
- Với mức ồn từ : 100 – 105 dBA, sẽ dẫn đến tổn thương sau 10 năm làm việc.
- Với mức ồn > 105 dBA, sẽ dẫn đến tổn thương sau 5 năm làm việc.
Ở Việt Nam, bệnh điếc nghề nghiệp đã được phát hiện ở những công nhân ngành đường sắt, giao thông, năng lượng,…Năm 1991-1992, GS.Lê Trung và ctv, thuộc viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường đã nghiên cứu 4.000 công nhân tiếp xúc với tiếng ồn cao > 90 dBA và đã phát hiện tỉ lệ mắc bệnh điếc nghề nghiệp là 10,94%. Theo đề tài mang mã số 96/52/TLĐ của Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động, các tác giả Hoàng Minh Hiền và Nguyễn Sỹ trong công trình nghiên cứu của mình đã nghiên cứu gần 300 công nhân ngành khai thác than, đá cũng đã đưa ra số liệu sau: tỷ lệ nghi mắc bệnh điếc nghề nghiệp là 10,92% trong số đó: nhóm công nhân khoan đá có tỉ lệ là 25,3%, nhóm công nhân khoan than có tỉ lệ là 9,37%.
Bệnh điếc nghề nghiệp phát triển dần dần và có thể có các dấu các triệu chứng lâm sàng chia thành 4 giai đoạn sau
- Giai đoạn khởi đầu: bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi,ù tai, cảm thấy nghe kém sau ca làm việc. Đo thính lực sau ngày làm việc thấy có sự suy giảm thính lực ở tần số 4.000 Hz
- Giai đoạn tìêm tàng: Thời kỳ này kéo dài từ 5-7 năm tùy thuộc vào sức đề kháng của tai. Đo thính lực thấy có khuyết hình chữ V rõ rệt ở tần số 4000 Hz, đỉnh có thể tới 50 -60 d
- Giai đoạn cuối của quá trình tìêm tàng: Thời kỳ này kéo dài từ 10 – 15 năm. Đo thính lực hết nước hình chữ V đã mở rộng đến vùng tần số 2000Hz. Nói chuyện bị ảnh hưởng.
- Giai đoạn điếc rõ rệt: Giai đoạn này bệnh nhân bị ù tai, tiếng nói to cũng khó nghe. Khuyết hình chữ V đã mở rộng đến cả vùng tần số 1.000, 500, 250Hz.